Giỏ hàng
×

Bạn hãy điền đầy đủ thông tin

Các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và môi trường của EU đối với các sản phẩm tiêu dùng

Cùng với sự phát triển của xã hội, việc tiêu thụ, sử dụng sản phẩm một mặt đem lại những tiện ích cho con người, mặt khác cũng để lại những gánh nặng cho môi trường. Các vấn đề về môi trường như chất thải rắn, suy thoái tài nguyên, thiếu hụt nguồn năng lượng… ngày càng trở nên trầm trọng. Để ứng phó với các vấn đề này, Uỷ ban Châu Âu đã thông qua chính sách về "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" và ban hành các quy định liên quan tới khía cạnh về môi trường của sản phẩm.
Nguyên lý cơ bản của các yêu cầu liên quan tới môi trường sản phẩm được đưa ra bởi EU dựa trên Chính sách tích hợp của sản phẩm (Integrated Product Policy- IPP).
Mục đích của chính sách này là nhằm làm giảm tác động của sản phẩm tới môi trường trong toàn bộ các giai đoạn của vòng đời sản phẩm. Các nguyên tắc cơ bản của chính sách này là:
- Suy xét về vòng đời của sản phẩm (các tác động môi trường từ khi sinh ra đến khi huỷ bỏ sản phẩm)
- Vận hành theo thị trường (đưa ra cơ chế khuyến khích)
- Sự tham gia của các bên liên quan (nhà sản xuất, người tiêu dùng)
- Cải thiện liên tục các tác động môi trường
- Đa dạng các công cụ chính sách (từ tự nguyện đến bắt buộc)
Với định hướng như vậy, chỉ thị đầu tiên của EU liên quan tới yêu cầu về môi trường đối với sản phẩm là chỉ thị về Chất thải Ô tô (End of Life Vehicle - ELV) được đưa ra năm 2000. Chỉ thị này được đưa ra nhằm giảm thiểu việc phát sinh chất thải từ việc huỷ bỏ phương tiện vận tải sau sử dụng bằng việc tính phí đối với nhà sản xuất đối với phương tiện vận tải mà họ sản xuất ra. Như vậy, trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn phải quan tâm tới việc chiếc xe đó sẽ được xử lý như thế nào sau khi không còn sử dụng.
Vào năm 2003, Chỉ thị về Chất thải điện và thiết bị điện tử (Waste electrical and electronic equipment- WEEE) và Chỉ thị về Hạn chế sử dụng các chất nguy hiểm (Restrictions on the use of certain hazardous substances - RoHS) đã được ban hành. Chỉ thị WEEE nhằm vào việc giảm thiểu việc phát sinh chất thải khi huỷ bỏ thiết bị điện và điện tử. Chỉ thị RoHS hướng vào việc bảo vệ công nhân tại các nhà máy tái chế chất thải điện và điện tử.
Vào tháng 7/2005, EU ban hành Chỉ thị về Sản phẩm sử dụng năng lượng (Energy using Product - EuP). Chỉ thị này nhằm giảm việc tiêu thụ năng lượng của các thiết bị điện và điện tử thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Mặt khác, nó cũng nhắm tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường của các thiết bị điện và điện tử thông qua hoạt động thiết kế sinh thái (Eco Design).
Từ năm 2001, EU cũng đã bắt đầu xây dựng các yêu cầu về hoá chất độc/nguy hại. Việc đăng ký, đánh giá và cấp phép sử dụng hoá chất. Yêu cầu này không chỉ liên quan tới nhà sản xuất mà còn liên quan tới những công ty có sử dụng nhiều hoá chất. Yêu cầu này tên là Đăng ký, đánh giá và cấp phép hoá chất (Registration, Evaluation, Authorization of Chemicals - REACH)
Với những yêu cầu nêu trên, hiện nay có nhiều mối quan ngại rằng đó có thể là những hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Các vấn đề gặp phải khi tuân theo những yêu cầu trên là:
- Sự gia tăng về gánh nặng tài chính đối với ngành công nghiệp để thoả mãn những yêu cầu này
- Thiếu công nghệ và kỹ thuật
- Chưa có chất thay thế cho các loại chất bị cấm hoặc chi phí cao khi thay thế
- Thiếu hạ tầng dữ liệu, ví dụ cơ sở dữ liệu về vòng đời, biện pháp thiết kế sinh thái…
Tóm lại, các quy định của EU về khía cạnh môi trường đối với sản phẩm như Chỉ thị Ô tô sau sử dụng (ELV), Chất thải điện và thiết bị điện tử (WEEE), Hạn chế sử dụng hoá chất độc hại (RoHS) và Sản phẩm sử dụng năng lượng (EuP) nhắm tới việc giảm tác động tới môi trường từ ô tô và thiết bị điện, điện tử. Như vậy cần yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm hơn về các tác động tới môi trường của sản phẩm mà họ thiết kế, chế tạo và lắp ráp. Nhà cung ứng cho các công ty thuộc EU cũng cần có những động thái cần thiết trong việc tìm kiếm các giải pháp bảo vệ môi trường tương ứng để thoả mãn những yêu cầu của EU nếu muốn tham gia vào thị trường đó.